Thị lực của bé
Sức khỏe của bé
Đôi mắt khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé. Nhiều vấn đề về thị lực có thể phát hiện sớm và điều trị khỏi, do đó khám mắt là một phần trong quy kiểm tra sức khỏe định kỳ của con.
Khám mắt định kỳ cho bé
- Trẻ sơ sinh nên được khám mắt tổng quát tại bệnh viện ngay sau sinh.
- Trẻ nhỏ cần được khám mắt định kỳ trong những lần khám sức khỏe với bác sĩ nhi khoa.
- Trẻ từ 3,5 tuổi trở lên cần được khám mắt và thực hiện bài kiểm tra thị lực (kiểm tra độ sắc nét của thị lực) với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình.
- Trẻ từ 5 tuổi trở lên cần được bác sĩ nhi khoa kiểm tra thị lực và đánh giá xem hai mắt có bị lác hay không. Những bé không vượt qua bài kiểm tra này sẽ được bác sĩ nhãn khoa tiếp tục thăm khám.
- Trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể được kiểm tra thị lực tại trường học (một số giáo viên có thể không nhận ra bé có vấn đề về thị lực).
Phát hiện các vấn đề về mắt
Các dấu hiệu cho thấy bé có vấn đề về thị lực bao gồm:
- Hay dụi mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Khó tập trung
- Theo dõi vật thể di chuyển bằng mắt kém
- Mắt lác hoặc nhãn cầu vận động bất thường (sau 6 tháng tuổi)
- Mắt đỏ kéo dài
- Chảy nước mắt liên tục
- Đồng tử màu trắng thay vì màu đen
Các bé trong độ tuổi đi học có thể có thêm các dấu hiệu khác như:
- Không nhìn thấy đồ vật ở khoảng cách xa
- Khó đọc chữ trên bảng
- Nheo mắt
- Khó khăn khi đọc
- Ngồi quá gần tivi
Các vấn đề về mắt thường gặp
Các vấn đề về mắt thường gặp có thể được phát hiện thông qua kiểm tra thị lực và thường sẽ cải thiện theo thời gian:
- Nhược thị (mắt lười) là tình trạng thị lực kém ở một mắt trông có vẻ bình thường. Hai nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này là lác mắt và sự khác biệt về tật khúc xạ giữa hai mắt. Nếu không được điều trị sớm, nhược thị có thể gây mất thị lực không phục hồi ở mắt bị ảnh hưởng vì não bộ dần bỏ qua tín hiệu từ mắt đó.
- Lác mắt là tình trạng hai nhãn cầu không nằm thẳng hàng mà quay vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Nếu một mắt thường xuyên bị lác, bên mắt đó có thể bị nhược thị. Nếu phát hiện bệnh sớm, thị lực của bé có thể được phục hồi bằng cách che mắt bình thường, buộc mắt lác phải hoạt động và điều tiết. Phẫu thuật hoặc đeo một loại kính đặc biệt cũng có thể điều trị tình trạng mắt lác.
- Tật khúc xạ xảy ra khi hình dạng của mắt không khúc xạ (bẻ cong) ánh sáng đúng cách, khiến hình ảnh trên võng mạc trở nên mờ ảo. Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học; các tật khúc xạ khác bao gồm viễn thị, loạn thị. Một số tật khúc xạ có thể gây nhược thị.
Một số bệnh lý về mắt, ví dụ bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh, cần được điều trị ngay lập tức.
Kính mắt cho bé
Các bé ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ sơ sinh đều có thể đeo kính. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho mẹ:
- Hãy để bé tự chọn gọng kính.
- Gọng kính nhựa là gọng tính an toàn nhất với bé dưới 2 tuổi.
- Các bé lớn hơn có thể đeo kính có gọng kim loại. Ưu tiên gọng kính có bản lề lò xo vì bền hơn.
- Dây đeo đàn hồi gắn vào kính là lựa chọn phù hợp cho các bé mới biết đi vì có thể giữ kính cố định trên mắt bé.
- Trẻ em có vấn đề nghiêm trọng về mắt có thể cần kính có chỉ số khúc xạ cao. Loại kính này mỏng hơn, nhẹ hơn và giá thường đắt hơn.
Kính áp tròng
Tầm trên 10 tuổi, con có thể muốn đeo kính áp tròng vì lý do thẩm mỹ hoặc khi con muốn chơi thể thao. Để đeo kính áp tròng, bé cần lắp và tháo kính đúng cách, đồng thời biết tháo kính ra khi cần và vệ sinh kính theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý rằng các bé bị đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể cần đeo kính áp tròng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.