Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Mang thai

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một thủ thuật y khoa trong đó trứng được thụ tinh với tinh trùng bên ngoài cơ thể. Đây là một phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến.
Ai nên thực hiện IVF?
Các cặp vợ chồng thường lựa chọn IVF nếu các phương pháp điều trị vô sinh khác không thành công, hoặc họ muốn giảm thiểu nguy cơ thai nhi có bất thường di truyền, hoặc khi muốn biết giới tính của con. Các bác sĩ cũng có thể đề xuất IVF cho những phụ nữ có bất thường về ống dẫn trứng hoặc tử cung.
Quy trình thực hiện IVF
Quy trình thực hiện IVF bao gồm thụ tinh trứng với tinh trùng trong phòng thí nghiệm, sau đó một hoặc nhiều trứng đã thụ tinh sẽ được chuyển vào tử cung của mẹ để làm tổ. Dưới đây là các bước thực hiện của một chu kỳ IVF:
- Chuẩn bị cơ thể: Mẹ sẽ dùng thuốc kích thích buồng trứng trong vài tháng để giúp buồng trứng sản xuất nhiều trứng hơn. Sau đó, mẹ sẽ trải qua một số lần siêu âm và xét nghiệm máu để theo dõi nồng độ hormone và số lượng trứng.
- Chọc hút trứng: Khi trứng đã trưởng thành, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ có gắn thiết bị hút ở đầu để thu trứng từ nang trứng.
- Thụ tinh: Trứng được thụ tinh với tinh trùng trong ống nghiệm.
- Chuyển phôi: Khoảng 3 – 5 ngày sau thụ tinh, trứng được thụ tinh đã phát triển thành phôi và sẽ được tuyển chọn để chuyển vào tử cung của mẹ. Một hoặc nhiều phôi có thể được chuyển vào tử cung của mẹ, tùy theo quyết định của mẹ và bác sĩ.
- Giai đoạn chờ đợi: Sau khi chuyển phôi, mẹ có thể quay lại cuộc sống hàng ngày. Trong 6 – 8 tuần tiếp theo, mẹ sẽ tiếp tục dùng thuốc để tăng cường hormone progesterone giúp phôi phát triển trong tử cung. IVF thành công nếu phôi làm tổ trong niêm mạc tử cung và mẹ mang thai. Nếu lần IVF đầu tiên không thành công, mẹ có thể thực hiện chu kỳ IVF tiếp theo sau một tháng hoặc theo lời khuyên của bác sĩ.
Rủi ro
IVF là quy trình phức tạp với nhiều bước thực hiện. Các rủi ro có thể gặp phải tùy theo cơ thể của từng mẹ. Do đó, mẹ nên trao đổi chi tiết với bác sĩ về các rủi ro của IVF để nắm rõ các bước thực hiện cũng như hiểu được những gì có thể xảy ra. Dưới đây là một số rủi ro chung của IVF mà mẹ cần biết:
- Mang đa thai: Có khả năng sinh đôi hoặc sinh ba nếu chuyển nhiều phôi vào tử cung.
- Hội chứng kích thích buồng trứng quá mức: Thuốc kích thích buồng trứng có thể gây sưng buồng trứng, dẫn đến đầy hơi và đau quặn bụng mức độ nhẹ.
- Biến chứng thủ thuật: Thủ thuật chọc hút trứng có thể gây nhiễm trùng hoặc rách mô âm đạo kèm theo chảy máu.
Lợi ích
Một số ưu điểm nổi bật của IVF bao gồm:
- Sàng lọc di truyền: IVF cho phép sàng lọc nhiễm sắc thể và loại bỏ các rối loạn di truyền. Vì vậy, bố mẹ có tiền sử bệnh di truyền có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ di truyền bệnh cho con cái.
- Bảo tồn khả năng sinh sản: IVF giúp đông lạnh phôi thừa hoặc trứng chưa thụ tinh, điều này rất hữu ích với phụ nữ lớn tuổi có số lượng trứng thấp hoặc không thành công trong chu kỳ IVF đầu tiên.
Ước tính tỷ lệ thành công theo độ tuổi của mẹ với mỗi chu kỳ IVF:
- 29% với phụ nữ dưới 35 tuổi
- 23% với phụ nữ từ 35 – 37 tuổi
- 9% với phụ nữ từ 40 – 42 tuổi
- 3% với phụ nữ từ 43 – 44 tuổi
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hiện 3 chu kỳ IVF có thể làm tăng cơ hội mang thai thành công lên đến 50%.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)