Tiêu chảy
Sức khỏe của bé

Tiêu chảy thường không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng, nhưng tình trạng này có thể khiến cơ thể con mất nước, muối và khoáng chất.
Nguyên nhân gây tiêu chảy
Tiêu chảy thường do nhiễm trùng đường ruột. Các tác nhân gây nhiễm trùng bao gồm:
- Virus (là tác nhân phổ biến nhất): ví dụ Rotavirus
- Vi khuẩn như E. coli, Salmonella
- Ký sinh trùng
Trẻ nhỏ đôi khi bị tiêu chảy do một số nguyên nhân khác như dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose hoặc do các vấn đề ở ruột.
Triệu chứng của tiêu chảy
Bé thường bị đau bụng quặn thắt, sau đó tiêu chảy trong khoảng 3 – 5 ngày. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày
- Đau bụng quặn thắt
- Sốt
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Nôn
- Sụt cân
- Mất nước
Những điều mẹ cần làm:
- Tiếp tục cho bé ăn chế độ ăn uống hàng ngày và cho con uống nhiều nước
- Với bé dưới 6 tháng tuổi, tăng cường cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức
- Mẹ có thể sử dụng dung dịch bù nước đường uống (Oresol) để bổ sung lượng nước mà cơ thể con bị mất
Những điều không nên làm:
- Không cho bé dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc
- Hạn chế đồ uống có đường vì có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn
- Không cho bé dùng thuốc chống tiêu chảy trừ khi được bác sĩ kê đơn
Khi nào cần đưa bé đi khám?
Hãy đưa bé đi khám nếu:
- Bé dưới 6 tháng tuổi
- Tiêu chảy nặng hoặc kéo dài
- Nôn liên tục hoặc từ chối uống nước
- Tiểu ít hơn bình thường
- Đau bụng dữ dội
- Phân có máu hoặc nhầy
Dấu hiệu nguy hiểm
Hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức nếu bé có các triệu chứng sau:
- Miệng khô hoặc dính
- Ít hoặc không có nước mắt khi khóc
- Mắt trũng sâu
- Tiểu ít hoặc số lượng tã ướt ít hơn bình thường
- Buồn ngủ hoặc chóng mặt
- Thóp trên đỉnh đầu của bé trũng sâu
Cách phòng ngừa tiêu chảy
- Đảm bảo bé rửa tay sạch sẽ và thường xuyên, đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, để tránh nhiễm khuẩn gây tiêu chảy
- Rửa sạch trái cây và rau củ bằng nước sạch trước khi ăn
- Không cho bé ăn rau sống trong nhà hàng nếu không chắc chắn rau đã được rửa sạch
- Nếu cho bé ăn thịt, cần bảo quản thịt trong tủ lạnh và nấu chín đến khi thịt không còn màu hồng. Thịt và các sản phẩm từ sữa chứa nhiều vi khuẩn, cần được xử lý cẩn thận.