Trật mắt cá chân
Sơ cứu
Trật mắt cá chân hay bong gân mắt cá chân là chấn thương thường gặp ở trẻ nhỏ khi chạy nhảy hoặc chơi thể thao
Nguyên nhân gây trật mắt cá chân
Mắt cá chân được cấu tạo bởi ba xương và hệ thống dây chằng giúp giữ các xương lại với nhau. Trật mắt cá chân thường xảy ra khi cổ chân bị xoắn và dây chằng bị căng quá mức, từ đó gây rách, chảy máu và biểu hiện bằng bầm tím, sưng tấy cổ chân.
Dấu hiệu của trật mắt cá chân
- sưng mắt cá chân: có thể xuất hiện sau chấn thương vài phút hoặc vài giờ.
- đau quanh mắt cá chân.
- bầm tím, thường xuất hiện trong vòng 2 – 3 ngày.
Chăm sóc tại nhà
Trật mắt cá chân có thể được chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc RICE (Rest – Nghỉ ngơi, Ice – Chườm đá, Compression – Băng ép, Elevation – Nâng cao) ngay sau khi con bị chấn thương và tới khi triệu chứng cải thiện.
- Nghỉ ngơi (Rest): Cho mắt cá nhân nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gây đau. Nếu bé đi lại khó khăn, mẹ có thể cho con dùng nạng.
- Chườm đá (Ice): Chườm đá lên vùng cổ chân bị đau khoảng 15 phút. Không chườm đá trực tiếp lên da mà mẹ nên cho đá vào trong túi nhựa hoặc bọc bằng khăn mặt. Chườm lạnh cổ chân 2 – 4 giờ/ lần trong 2 – 3 ngày.
- Băng ép (Compression): Băng ép cổ chân chắc chắn nhưng không quấn quá chặt để tránh cản trở lưu thông máu và khiến con bị đau. Mẹ hãy quấn băng từ trên mắt cá xuống đến bàn chân.
- Nâng cao chân (Elevation): Nằm kê chân cao hơn so với tim có tác dụng giảm sưng tấy. Mẹ có thể kê gối dưới chân con.
Khi nào cần đi khám?
Mẹ nên đưa con đi khám nếu bé không thể đứng dồn trọng lượng lên mắt cá ngay sau khi bị thương hoặc con không thể di chuyển bàn chân và cơn đau không cải thiện sau vài ngày.
Khi nào nên cho con uống thuốc?
Một số bé cần dùng thuốc để giảm bớt cơn đau. Paracetamol thường được sử dụng trong hầu hết các trường hợp. Thuốc chống viêm có thể hữu ích nhưng không phù hợp với tất cả trẻ em. Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho bé dùng thuốc.
Những điều cần tránh
Trong những ngày đầu sau khi bé bị trật mắt cá chân, hãy hạn chế:
- Tắm nước nóng và tiếp xúc với nguồn nhiệt: Nhiệt độ cao làm tăng lưu lượng máu tới cổ chân và khiến tình trạng sưng tấy nặng hơn.
- Tái chấn thương: Bảo vệ mắt cá chân khỏi việc tiếp tục bị chấn thương bằng cách không để mắt cá chân chịu quá nhiều lực và di chuyển thận trọng
- Xoa bóp: tăng lưu thông máu và khiến tình trạng sưng tấy nghiêm trọng hơn.
Bài tập phục hồi mắt cá chân
Mẹ nên khuyến khích bé tập thể dục và kéo giãn cơ nhẹ nhàng ngay sau khi bị thương để tránh cứng khớp. Tuy nhiên, nếu bé bị đau nhiều, hãy cho con nghỉ ngơi thêm một chút. Một số bài tập bao gồm:
- Bài tập bảng chữ cái: Dùng mắt cá chân và bàn chân vẽ hình các chữ cái từ A – Z trong không khí.
- Vẽ vòng tròn: Dùng bàn chân bị đau vẽ vòng tròn 10 lần.
- Đi bộ nhẹ nhàng: Khuyến khích bé tập đi sau 2 – 3 ngày nếu cơn đau ở mức vừa phải và con có thể chịu được.
Thời gian phục hồi
Hầu hết các bé bị trật mắt cá chân sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 1 – 2 tuần.
Phòng ngừa chấn thương trong tương lai
Khuyến khích bé khởi động kỹ trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao. Ngoài ra, mẹ cũng nên đảm bảo con đi giày phù hợp với môn thể thao mà con tham gia.