Làm sao để vượt qua trầm cảm sau sinh
Những điều cần biết
Thay vì cảm giác tràn trề hạnh phúc khi đón thành viên mới chào đời, mẹ có thể bất ngờ với sự xuất hiện của chứng trầm cảm nhẹ, lo lắng và thay đổi tâm trạng thường gặp ở những giai đoạn mới sinh. Một số bà mẹ thậm chí còn phải trải qua rối loạn tâm thần trong vài tuần sau sinh.
Sau đây là ba trải nghiệm cảm xúc phổ biến sau sinh và mẹ phải làm gì nếu mẹ gặp phải những vấn đề này.
Baby blues
Hơn một nửa số mẹ mới sinh trải qua ‘Baby Blues’. Nó thường bắt đầu ngay sau sinh và kéo dài 3 đến 4 ngày sau đó. Tình trạng này biểu hiện với sự thay đổi tâm trạng. Trong vài ngày đầu, mẹ có thể rất dễ dàng bật khóc. Đôi khi mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, cáu gắt, thấp thỏm và mất ngủ. Và mẹ có thể thường phản ứng thái quá với mọi thứ. Tình trạng này thường cao nhất vào khoảng một tuần và giảm dần vào cuối tuần thứ hai sau khi sinh.
Mẹ có thể không cần điều trị chứng baby blues. Những thay đổi này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu các triệu chứng của mẹ không biến mất sau vài tuần hoặc trở nên tồi tệ hơn, mẹ có thể đang trong tình trạng trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là một dạng trầm cảm ảnh hưởng đến 10% các mẹ trong vòng bốn tuần đầu sau khi sinh. Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh tương tự như triệu chứng trầm cảm ở những thời điểm khác bao gồm buồn chán, cảm giác vô dụng, tội lỗi, xa lánh, kiệt sức, lo âu, hay khóc, mất ngủ, cáu gắt và thay đổi cách ăn uống.
Tình trạng này tương tự như baby blues, nhưng các triệu chứng nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn và có thể bao gồm ý định tự tử hoặc không thể chăm sóc con. Trầm cảm sau sinh có thể được điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý.
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh?
Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể khi phụ nữ mang thai nồng độ nội tiết tố tăng cao. Sau khi sinh con, nồng độ hormone nhanh chóng giảm xuống. Mối liên hệ thực sự giữa sự thay đổi đột ngột này và chứng trầm cảm vẫn chưa rõ ràng. Nhưng những gì chúng ta biết là mức độ estrogen và progesterone, hormone sinh sản nữ, tăng gấp 10 lần trong thai kỳ. Sau đó, chúng giảm mạnh trong vòng ba ngày sau khi sản phụ sinh con. Đau và những thay đổi về thể chất
cũng có thể là một trong những nguyên nhân, cũng như sự căng thẳng và kiệt sức khi chăm sóc trẻ sơ sinh.
Các yếu tố nguy cơ là gì?
Tiền sử trầm cảm sau sinh là yếu tố nguy cơ đáng lo ngại nhất. Nó có thể làm tăng cơ hội tái phát ở mức 30-50%. Ngoài ra, tiền sử trầm cảm không liên quan đến mang thai hoặc tiền sử gia đình có người bị trầm cảm cũng là một yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ khác là yếu tố căng thẳng xã hội như các vấn đề tài chính và thiếu sự hỗ trợ tâm lý.
Do trầm cảm sau sinh có thể được kích hoạt bởi sự thay đổi nội tiết tố đột ngột sau sinh, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiền sử mắc hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt ở mức độ trung bình đến nặng có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Rối loạn tâm thần sau sinh
Rối loạn tâm thần sau sinh là một loại rối loạn tâm thần ngắn có thể xảy ra cấp tính trong vòng khoảng 2 tuần sau khi sinh. Các triệu chứng có thể thay đổi nhanh chóng. Chúng có thể bao gồm kích động quá mức (hưng cảm), trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, ảo tưởng, ý nghĩ tự làm hại bản thân và làm hại em bé.
Loạn thần sau sinh là một bệnh cần khẩn cấp điều trị. May mắn thay, nó không phổ biến như hội chứng baby blues hay trầm cảm sau sinh. Rối loạn tâm thần sau sinh xảy ra ở khoảng 0,1% mẹ. Tình trạng này bắt đầu đột ngột và thường trong vòng hai tuần sau sinh, thậm chí sớm nhất là 48 giờ.
Nguyên nhân của rối loạn tâm thần sau sinh là gì?
Rối loạn tâm thần sau sinh không chỉ do bất kỳ suy nghĩ hay hành vi nào của người mẹ gây ra như vấn đề trong các mối quan hệ, căng thẳng hoặc sinh con ngoài ý muốn. Đây được xem là tình trạng chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố di truyền cũng là một nguy cơ. Những thay đổi về nồng độ hormone và gián đoạn giấc ngủ cũng có thể liên quan.
Các yếu tố nguy cơ là gì?
Mẹ có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh nếu mẹ đã từng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần phân liệt hoặc bệnh tâm thần khác.
Nếu mẹ có mẹ hoặc chị em gái cũng mắc rối loạn tâm thần sau sinh, nguy cơ của mẹ có thể cao hơn. Tương tự như vậy nếu mẹ đã từng bị rối loạn tâm thần sau sinh trước đó hay mẹ thuộc một trong những nhóm có nguy cơ cao này, khả năng mẹ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh là từ 25% đến 50%. Mẹ nên thảo luận về rủi ro cá nhân của mình với bác sĩ tâm thần.
Đã chứng nhận:
Bao Tri Tran (1 June 2023)