Nguyên nhân có thể dẫn đến sinh mổ
Chuyển dạ
Có nhiều lý do dẫn đến việc lựa chọn sinh mổ là cần thiết hoặc thậm chí là biện pháp sinh an toàn hơn khi so sánh với sinh thường.
Lý do sinh mổ theo kế hoạch
Có rất nhiều lý do về y khoa để bác sĩ đề xuất sinh mổ trước ngày dự sinh để đảm bảo sự an toàn của mẹ và con của mẹ :
- Một số bệnh lý nhất định: Mẹ có thể mắc một số bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc bệnh thận khiến việc sinh thường có thể gây nguy hiểm cho cơ thể mẹ, vì vậy sinh mổ là một sự lựa chọn an toàn hơn.
- Bệnh truyền nhiễm: Nếu mẹ dương tính với HIV hoặc bị nhiễm Herpes sinh dục, sinh mổ theo kế hoạch là cần thiết để ngăn chặn vi-rút truyền sang con trong khi chuyển dạ.
- Sức khỏe thai nhi: Một tình trạng hoặc bệnh bẩm sinh có thể gây khó khăn hoặc thậm chí đe doạ tính mạng thai nhi trong quá trình chuyển dạ tự nhiên.
- Thai nhi lớn: Đôi khi thai nhi quá lớn (một tình trạng được gọi là thai to) để mẹ có thể sinh thường theo ngả tự nhiên. Điều này có thể xảy ra nếu mẹ tăng cân nhiều hơn mức khuyến nghị trong thai kỳ.
- Cân nặng: Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mẹ cần sinh mổ. Điều này do các yếu tố rủi ro khác đi kèm với tình trạng béo phì – như đái tháo đường thai kỳ – và vì sản phụ béo phì có xu hướng chuyển dạ lâu hơn.
- Tuổi tác: Mặc dù lớn tuổi hơn không có nghĩa là bắt buộc phải sinh mổ, tuy nhiên, điều đó làm tăng khả năng sinh mổ.
- Tư thế ngôi mông: Khi thai nhi bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển dạ với ngôi mông thiếu kiểu mông hoặc kiểu chân và không thể xoay được, bác sĩ có thể quyết định phải sinh mổ.
- Đa thai: Khả năng sinh mổ tăng lên tùy vào số thai nhi trong tử cung của sản phụ.
- Các vấn đề về nhau thai: Nếu nhau thai chặn một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung (nhau tiền đạo) hoặc đã tách ra khỏi thành tử cung (nhau bong non), sinh mổ sẽ an toàn hơn cho sản phụ và thai nhi.
- Tiền sản giật: Nếu mẹ bị tiền sản giật (huyết áp cao do mang thai) và việc điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể chọn mổ lấy thai để bảo vệ an toàn cho mẹ và thai nhi.
- Sinh mổ trước đó: Mặc dù sinh mổ trong lần mang thai đầu tiên làm tăng nguy cơ cho các lần sinh tiếp theo, nhưng sinh thường sau sinh mổ, thường vẫn thành công và thậm chí còn được khuyến nghị .
Lý do sinh mổ ngoài kế hoạch
Trong hầu hết các trường hợp, sự cần thiết sinh mổ không chắc chắn cho đến khi vào giai đoạn chuyển dạ. Một số lý do phổ biến bao gồm:
- Quá trình chuyển dạ không bắt đầu: Nếu quá trình chuyển dạ không tiến triển ngay từ đầu và cổ tử cung của mẹ không mở ra mặc dù mẹ đã có các cơn gò từ 24 giờ qua, bác sĩ có thể quyết định sinh mổ.
- Chuyển dạ ngưng tiến: Mẹ có thể có một giai đoạn đầu chuyển dạ suôn sẻ — cổ tử cung mở đến 3cm — nhưng sau đó mọi thứ dừng lại. Điều này có thể xảy ra khi đầu thai nhi quá lớn để lọt qua khung xương chậu của mẹ.
- Kiệt sức hoặc suy thai: Nếu bác sĩ phát hiện ra rằng mẹ đang trở nên quá kiệt sức hoặc nếu thiết bị theo dõi thai nhi phát hiện dấu hiệu thai nhi đang gặp nguy hiểm, cần phải sinh mổ.
- Sa dây rốn: Nếu dây rốn chui xuống đường dẫn sinh trước thai nhi, nó sẽ bị chèn ép khi thai nhi lọt qua và điều này sẽ cắt đường cung cấp oxy cho thai nhi.
- Vỡ tử cung: Nếu tử cung của mẹ bị rách, cần phải sinh mổ.
Chọn ngày và giờ sinh
Nếu mẹ xác định được ngày dự sinh mà không gây bất kỳ tổn hại nào cho mẹ và thai nhi, cố gắng để con của mẹ ra đời trong tuần 39 hoặc sau tuần 39 để bé chào đời khỏe mạnh. Về thời gian, hầu hết các ca sinh mổ được thực hiện lúc 8 giờ sáng. Tuy nhiên theo lẽ tự nhiên hầu hết các em bé đều chào đời vào ban đêm hoặc buổi sáng, phần đông vào lúc 4 giờ sáng. Đây cũng là một yếu tố để mẹ có thể đưa ra lựa chọn phù hợp về thời gian sinh em bé.
Đã chứng nhận:
Bao Tri Tran (1 June 2023)