Hướng dẫn mẹ chăm sóc vết mổ sau sinh

Mẹ nên biết cách chăm sóc vết mổ sau sinh để giúp vết mổ nhanh lành và hạn chế để lại sẹo.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chỉ định mổ lấy thai của bác sĩ. Nhưng dù là nguyên nhân nào, trên thành bụng và tử cung của mẹ vẫn sẽ có một vết rạch.
Vết mổ lấy thai thường mau lành và chỉ để lại một đường sẹo mờ phía trên phần xương mu.
Các đường mổ lấy thai
Trong quá trình mổ lấy thai, trước tiên bác sĩ sẽ rạch một đường trên thành bụng của mẹ, sau đó tiếp tục rạch mở tử cung. Có hai loại vết mổ lấy thai:
- Vết mổ ngang (đường rạch bikini): Đây là vết mổ nằm ngang ngay trên xương mu. Đường rạch này được bác sĩ và các mẹ ưu tiên lựa chọn vì ít gây đau và ít để lại sẹo. Sau khi rạch xong thành bụng, bác sĩ sẽ tiếp tục rạch sâu hơn và cắt ngang qua phần thấp của tử cung. Ưu điểm của vết rạch này là lành tốt, hạn chế nguy cơ vỡ tử cung trong lần mang thai sau. Vì vậy, nếu từng sinh mổ, mẹ vẫn có thể sinh thường (VBAC – Vaginal Birth After Cesarean) em bé tiếp theo.
- Vết mổ dọc: Là vết mổ theo chiều dọc, nằm chính giữa bụng, bắt đầu từ dưới rốn đến xương mu. Hiện nay, đường mổ này ít được sử dụng vì gây đau, cần nhiều thời gian để hồi phục và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ.
Cách đóng vết mổ sau sinh
Sau khi em bé được đưa ra khỏi tử cung của mẹ, bác sĩ sẽ tiến hành đóng vết mổ. Ở tử cung, đường rạch sẽ được khâu bằng chỉ tự tiêu. Còn trên da bụng, bác sĩ có thể đóng đường rạch bằng 1 trong 3 kỹ thuật sau:
- Ghim: Ưu điểm của kỹ thuật này là nhanh nhưng vết mổ có thể bị hở. Ghim thường được tháo sau mổ một tuần.
- Chỉ khâu: Dùng chỉ khâu vết mổ cần nhiều thời gian nhưng đảm bảo vết mổ kín và lành tốt.
- Keo dán phẫu thuật: Bác sĩ sẽ phủ một lớp keo lên trên vết mổ để tạo thành màng bảo vệ. Lớp keo này sẽ tự bong ra sau khi vết mổ lành lại. Đây là kỹ thuật ít để lại sẹo nhất nhưng không thể áp dụng với tất cả loại da.
Hướng dẫn mẹ chăm sóc vết mổ sau sinh
Các biện pháp dưới đây sẽ giúp mẹ chăm sóc vết mổ đúng cách nhằm hạn chế nhiễm trùng và biến chứng:
- Vệ sinh vết mổ nhẹ nhàng bằng xà phòng hàng ngày. Sau đó dùng khăn thấm khô.
- Không cần băng kín vết mổ suốt cả ngày. Thay vào đó, mẹ có thể mở băng để vết mổ thoáng khí.
- Mặc quần áo rộng rãi.
- Không vận động nặng, nhưng mẹ có thể đi lại nhẹ nhàng.
- Tái khám định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm các biến chứng.
- Mẹ có thể dùng túi chườm nóng đặt lên bụng trong khoảng 15 phút.
- Uống thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ.
Một số điều mẹ cần lưu ý
Khi chăm sóc vết mổ, mẹ cần quan sát kỹ để phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm trùng và các biến chứng. Hãy cảnh giác với các dấu hiệu dưới đây:
- Sốt từ 38°C trở lên
- Vết mổ có mủ
- Vết mổ sưng đỏ và đau tăng lên
- Vùng da xung quanh vết mổ tê bì kéo dài
- Xuất hiện cơn đau nhói từ vùng chậu, lan xuống hai chân
Khi có một trong các biểu hiện trên, mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt.
Các yếu tố khiến vết mổ sau sinh dễ bị hở
Vì một hoặc một vài lý do, vết mổ sau sinh của mẹ có thể bị hở. Các yếu tố khiến vết mổ sau sinh dễ bị hở bao gồm:
- Đường mổ dọc
- Đóng vết mổ bằng ghim
- Mẹ bị căng thẳng tinh thần sau sinh
- Giảm lưu thông máu
- Thiếu máu nặng
- Dinh dưỡng kém, mẹ không được chăm sóc đầy đủ sau sinh
- Nhiễm trùng
Khi nào cần đi khám?
Mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng dữ dội
- Sản dịch ra nhiều máu kèm theo cục máu đông kích thước lớn
- Chảy máu vết mổ
- Sản dịch có mùi hôi
- Vết mổ sưng, đỏ
- Vết mổ có mùi hôi
- Vết mổ có mủ
- Vùng da quanh vết mổ sưng, căng cứng
- Sưng bụng dưới hoặc sờ thấy một cục u
- Tiểu đau, tiểu buốt
- Đau khi đại tiện
- Táo bón nặng hoặc không thể đại tiện trong nhiều ngày
- Sốt cao hơn 38°C
- Chóng mặt
- Hạ huyết áp
Mẹo làm mờ sẹo cho mẹ sau sinh
Trong một vài trường hợp, vết mổ sẽ dày lên và lành lại không đều, tạo thành sẹo lồi, sẹo xấu. Nếu gặp phải tình trạng này, mẹ có thể tham khảo các biện pháp sau:
- Massage vết sẹo: Massage thường xuyên nhằm tăng lưu thông máu, giúp làm mờ sẹo. Mẹ hãy dùng ngón trỏ và ngón giữa xoa tròn quanh vết sẹo trong 5 – 10 phút mỗi ngày. Mẹ có thể dùng vitamin E hoặc gel silicone để massage dễ dàng hơn.
- Sử dụng miếng hoặc gel silicone: Nhiều nghiên cứu cho thấy silicone có tác dụng làm mềm và làm phẳng mô sẹo, đồng thời giảm cảm giác khó chịu tại vết sẹo.
- Liệu pháp laser: Biện pháp này giúp làm mềm mô sẹo, loại bỏ sẹo lồi và tái tạo bề mặt da.
- Tiêm steroid trị sẹo: Phương pháp này sẽ hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn và cảm giác đau đớn tại vết sẹo, cũng như cải thiện bề mặt sẹo.
- Phẫu thuật tạo hình sẹo: Nếu vết sẹo quá lớn, mẹ có thể cần phẫu thuật để bác sĩ xử lý vết mổ cũ. Bác sĩ sẽ loại bỏ vùng sẹo, nhằm tạo điều kiện cho vùng da lành liền lại đẹp hơn.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)