Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ
Nhiễm trùng đường tiểu (UTI – Urinary Tract Infections) rất phổ biến ở trẻ nhỏ, với tỷ lệ mắc phải là 8% ở bé gái và 2% ở bé trai.
Nhiễm trùng đường tiểu là tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng đường tiểu thường xảy ra ở bàng quang và niệu đạo, hay còn gọi là đường tiết niệu dưới. Vi khuẩn có thể tích tụ trong đường tiết niệu khi nước tiểu không được bài xuất thường xuyên hoặc khi bàng quang ứ đọng.
Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu khác nhau ở từng bé và thường thay đổi theo độ tuổi.
Dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng đường tiểu:
- Tiểu đau, tiểu buốt
- Cảm thấy buồn tiểu nhưng khó đi tiểu
- Thường xuyên đi vệ sinh nhưng mỗi lần chỉ tiểu được vài giọt (Tiểu dắt)
- Đau bụng dưới rốn
- Đau lưng
Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ nhỏ:
- Tiểu đục hoặc tiểu sẫm màu, nước tiểu có mùi khó chịu hoặc có máu
- Sốt nóng hoặc sốt rét run
- Chán ăn, ăn kém
- Mệt lả
- Tiêu chảy
- Nôn trớ
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu:
- Bất thường đường tiết niệu: Nếu thận hoặc bàng quang của con có bất thường, nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu sẽ tăng lên. Ví dụ: tắc nghẽn một phần đường tiết niệu, giãn đài bể thận, sỏi thận, sỏi bàng quang hoặc tăng áp lực bàng quang.
- Thói quen tiểu tiện không tốt: Nhiều bé có thói quen nhịn tiểu quá lâu. Thói quen này tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ trong đường tiểu. Ngoài ra, một số bé không uống đủ nước, dẫn đến cơ thể không sản xuất đủ nước tiểu để loại bỏ vi khuẩn ra ngoài.
- Trào ngược nước tiểu: Nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên niệu quản và thận.
- Tiền sử gia đình: Bố mẹ, anh chị em bị nhiễm trùng đường tiểu.
- Táo bón: Táo bón khiến đại tràng tích tụ nhiều phân và phình to, từ đó đè ép vào bàng quang.
- Hẹp bao quy đầu (ở bé trai): Bao quy đầu không lộn xuống được là tình trạng thường gặp ở bé trai. Hậu quả là cặn nước tiểu bám trên dương vật của con, gây ra nhiễm trùng.
- Bất thường tủy sống và hệ thần kinh: Dẫn đến bất thường tiểu tiện như tiểu ít, tiểu dắt và trào ngược nước tiểu.
Phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em:
- Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục của con để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan, dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Với bé dưới 2 tuổi, bố mẹ nên thay bỉm thường xuyên. Tới giai đoạn con tập ngồi bô, hãy hướng dẫn con vệ sinh đúng cách. Với bé gái, nên lau từ trước ra sau, tuyệt đối không lau từ sau ra trước để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan từ hậu môn sang đường tiểu.
- Cho con uống nhiều nước nhưng tránh xa những thức uống chứa caffein.
- Với bé gái trong độ tuổi đi học, hạn chế sử dụng xà phòng và sữa tắm có độ tẩy rửa mạnh vì có nguy cơ gây kích ứng.
- Duy trì chế độ ăn, vận động và thói quen đại tiện hợp lý để con không bị táo bón.
Điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em
Phác đồ điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở mỗi bé không giống nhau, dựa trên nguyên nhân của bệnh. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, con sẽ được điều trị tại bệnh viện với thuốc kháng sinh đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Nếu con bị đau bụng hoặc đau lưng dữ dội, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau cho con.
Bố mẹ nên theo dõi con của mẹ khi con đi vệ sinh và hỏi con về các dấu hiệu của bệnh.
Khuyến khích con của mẹ uống nhiều các loại nước không chứa đường, đặc biệt là nước lọc. Hầu hết các bé bị nhiễm trùng đường tiểu sẽ khỏi bệnh trong vòng 1 tuần khi được điều trị kịp thời.
Khi nào bố mẹ nên đưa con đi khám?
Hãy đưa con đi khám ngay nếu con sốt rét run không rõ nguyên nhân (thân nhiệt trên 38,3°C ở trẻ nhỏ hoặc trên 38°C ở trẻ sơ sinh), kèm theo đau lưng hoặc tiểu đau, tiểu buốt. Trong trường hợp con bú kém, nôn trớ nhiều hoặc cáu kỉnh, quấy khóc bất thường, bố mẹ cũng cần nhanh chóng đưa con tới bệnh viện.
Bố mẹ có thể ghi lại chẩn đoán bệnh, kết quả xét nghiệm và các loại thuốc mà con đã dùng trong các lần khám trước đây. Ngoài ra, hãy lưu lại phương thức liên lạc sau giờ hành chính với bác sĩ tại phòng khám và bệnh viện để có thể dễ dàng liên hệ khi con bị ốm hoặc khi bố mẹ có thắc mắc muốn được giải đáp.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 June 2023)