Muối
Thực phẩm cho bé
Muối thường được sử dụng để tạo hương vị hoặc bảo quản thực phẩm. Khi vào cơ thể, muối tách ra thành các ion natri và clorua. Quá nhiều natri không tốt cho sức khỏe, đó là lý do tại sao trẻ nhỏ nên chỉ tiêu thụ một lượng muối rất nhỏ hoặc không ăn muối.
Bé cần bao nhiêu muối?
Trẻ nhỏ chỉ cần một lượng muối rất nhỏ trong chế độ ăn. Tuy nhiên, bé rất dễ tiêu thụ quá nhiều muối vì muối được thêm vào hầu hết các thực phẩm, bao gồm cả bánh mì và bánh quy. Đặc biệt, trẻ nhỏ không nên ăn nhiều muối vì muối không tốt cho thận của con.
Dưới đây là lượng muối tối đa khuyến nghị cho trẻ em:
- Dưới 12 tháng tuổi: dưới 1g muối mỗi ngày (dưới 0,4g natri)
- Từ 1 – 3 tuổi: 2g muối mỗi ngày (0,8g natri)
- Từ 4 – 6 tuổi: 3g muối mỗi ngày (1,2g natri)
- Từ 7 – 10 tuổi: 5g muối mỗi ngày (2g natri)
- Trên 11 tuổi: 6g muối mỗi ngày (2,4g natri)
Những điều mẹ nên biết
Các bé bú mẹ nhận được lượng muối cần thiết qua sữa mẹ, và sữa công thức cũng chứa lượng muối tương tự như sữa mẹ. Khi mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm, không nên cho bé ăn các thực phẩm chế biến sẵn mà không dành riêng cho trẻ em, vì những thực phẩm này thường chứa nhiều muối. Theo khuyến cáo chung, không nên mua những thực phẩm có hàm lượng natri trên 0,6g cho mỗi 100g thực phẩm, vì hàm lượng này được coi là cao. Để tính được lượng muối trong thực phẩm, hãy nhân lượng natri với 2,5. Ví dụ, 1g natri trong 100g thực phẩm tương đương với 2,5g muối trong 100g thực phẩm.
Các thực phẩm chứa muối
Dưới đây là những thực phẩm thường chứa muối:
- Bánh mì
- Thịt xông khói
- Xúc xích
- Khoai tây chiên có thêm muối
- Bánh quy giòn
- Bim bim
- Nước sốt đóng chai
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Đồ ăn sẵn hâm nóng bằng lò vi sóng
- Bánh thịt
- Hạt rang muối
- Bỏng ngô có gia vị
- Phô mai que chế biến sẵn
- Gà viên chiên
- Bánh mì phết Vegemite
- Mì ăn liền
Quá nhiều muối gây hại cho bé như thế nào?
Ăn quá nhiều natri liên quan đến bệnh lý tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng ở các bé thừa cân hoặc béo phì. Các bé có chế độ ăn nhiều natri có khả năng bị tăng huyết áp cao gấp 40 lần so với các bé có chế độ ăn ít natri. Hơn nữa, có mối liên hệ giữa tăng huyết áp trong thời thơ ấu và tăng huyết áp cũng như bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành.
Cách giảm lượng natri trong chế độ ăn của bé
- Ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm tươi, chưa qua chế biến như trái cây, rau củ, cá tươi và gia cầm
- Thay vì dùng muối làm gia vị, hãy dùng nước cốt chanh, tỏi, giấm và các loại thảo mộc
- Bỏ lọ muối khỏi bàn ăn và tránh để bé nhìn thấy
- Yêu cầu nhà hàng chế biến các món ăn nhạt hơn
- Tránh đồ ăn nhanh vì món ăn này thường chứa nhiều muối
- Hạn chế sử dụng nước sốt, gia vị, viên gia vị và nước sốt đóng chai
Khi bé trên 2 tuổi và có thể tiêu thụ nhiều natri hơn, mẹ có thể cho phép bé ăn một lượng nhỏ đồ ăn vặt có muối vào cuối tuần hoặc trong các dịp đặc biệt.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)