Rối loạn tâm thần sau sinh là gì?
Sức khỏe tâm thần

Rối loạn tâm thần sau sinh là tình trạng khẩn cấp và nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, cần được điều trị ngay lập tức.
Trong 1.000 phụ nữ sau sinh, có khoảng 1 – 2 mẹ bị rối loạn tâm thần sau sinh và cần được hỗ trợ.
Rối loạn tâm thần sau sinh là gì?
Rối loạn tâm thần sau sinh, còn gọi là loạn thần hậu sản, là một bệnh lý tâm thần nghiêm trọng, có thể xuất hiện đột ngột sau khi sinh con. Biểu hiện đặc trưng của tình trạng này là tinh thần lú lẫn, ảo tưởng, ảo giác, hưng phấn quá mức, thậm chí có hành vi bạo lực. Rối loạn tâm thần sau sinh có thể xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần sau sinh với nhiều biểu hiện khác nhau và có thể thay đổi nhanh chóng.
Triệu chứng
Các mẹ khác nhau có thể có các triệu chứng khác nhau nhưng các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Ảo giác: Nhìn, nghe, ngửi, cảm thấy hoặc nếm những thứ không có thật.
- Ảo tưởng: Có những suy nghĩ, niềm tin sai lầm không dựa trên thực tế, ví dụ tin rằng ai đó đang cố làm hại em bé.
- Hưng cảm: Suy nghĩ và nói chuyện rất nhiều, rất nhanh.
- Trầm cảm: Cảm thấy cực kỳ buồn bã, thu mình, hay khóc, thiếu năng lượng hoặc khó ngủ.
- Vừa hưng cảm vừa trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng rất nhanh.
- Thiếu khả năng tự chủ
- Hoang tưởng: Cảm thấy nghi ngờ hoặc sợ hãi quá mức.
- Bồn chồn
- Mất ngủ
- Sợ hãi tột độ về việc bản thân không phải là một người mẹ tốt
- Lú lẫn
- Mất phương hướng về địa điểm, thời gian
- Cảm thấy mất kết nối với em bé
- Suy nghĩ bạo lực: ví dụ có một giọng nói bảo mẹ làm tổn thương em bé.
- Suy nghĩ tự tử
Nguyên nhân
Hiện tại, nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tâm thần sau sinh chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, sự thay đổi hormone mạnh mẽ trong cơ thể người mẹ sau khi em bé chào đời có thể là yếu tố kích hoạt bệnh lý này.
Điều chắc chắn là tình trạng này không phải lỗi của mẹ. Rối loạn tâm thần sau sinh có thể do sự tương tác phức tạp giữa yếu tố sinh học (khuynh hướng di truyền) và môi trường (các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, thiếu sự hỗ trợ).
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm:
- Tiền sử bị rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt
- Tiền sử gia đình có bệnh tâm thần, đặc biệt là rối loạn tâm thần sau sinh (ngay cả khi mẹ không có tiền sử cá nhân)
- Chẩn đoán rối loạn tâm thần sau sinh trong lần mang thai trước
- Tiền sử lạm dụng các chất kích thích
- Mang thai ngoài ý muốn
- Mang thai lần đầu
- Thiếu sữa mẹ
- Có vấn đề về giấc ngủ
Khi nào mẹ cần đi khám?
Rối loạn tâm thần sau sinh là tình trạng cấp cứu vì có thể nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn, đe dọa sự an toàn của cả mẹ và bé. Nếu mẹ có bất kỳ triệu chứng nào hoặc biết ai đó có những dấu hiệu kể trên, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Nếu không thể liên hê với bác sĩ, hãy gọi đường dây hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Ngoài ra, hãy thông báo tình trạng của mình cho gia đình, chồng hoặc một người bạn đáng tin cậy. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người mẹ có trải nghiệm tương tự cũng là giải pháp hữu ích.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể sử dụng công cụ sàng lọc tiêu chuẩn và hỏi một số câu hỏi để xác định xem mẹ có bị rối loạn tâm thần sau sinh hay sau. Cụ thể, bác sĩ sẽ hỏi mẹ về:
- Suy nghĩ tự tử hoặc làm hại em bé.
- Tiền sử bệnh tâm thần khác.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần.
- Tiền sử lạm dụng chất kích thích.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra một số tình trạng có thể dẫn đến thay đổi hành vi, như rối loạn hormone tuyến giáp hoặc nhiễm trùng sau sinh. Lúc này, mẹ sẽ cần xét nghiệm máu để kiểm tra hormone tuyến giáp, số lượng bạch cầu và các xét nghiệm liên quan khác.
Điều trị rối loạn tâm thần sau sinh
Bác sĩ tâm thần sẽ kê đơn điều trị cho mẹ, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống loạn thần. Nếu mẹ không đáp ứng tốt với thuốc hoặc cần điều trị thêm, bác sĩ có thể đề xuất liệu pháp sốc điện (ECT). Tất cả các phác đồ điều trị đều được kết hợp với liệu pháp tâm lý và liệu pháp nhóm.
Lời cảm ơn
Bài viết về chứng rối loạn tâm thần sau sinh được thực hiện với sự hợp tác và hỗ trợ của Quỹ Pranaiya & Arthur Magoffin, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bố mẹ và em bé.
Đã chứng nhận:
Trang Do Hanh (1 December 2024)